[RECAP VAS 2022] Chủ đề 04: Tìm hiểu về quá trình nghị án & soạn thảo Phán quyết trọng tài của Hội đồng Trọng tài – Một số lưu ý cho Luật sư tranh tụng

06/06/2023
 
Phán quyết trọng tài là lý do mà các bên tìm đến tố tụng trọng tài, vì vậy, quá trình nghị án và soạn thảo phán quyết của hội đồng trọng tài là một quá trình rất được quan tâm. Nhằm giúp quý vị có thêm thông tin về hoạt động nghị án trong tố tụng trọng tài tại Việt Nam, chủ đề 04 của chuỗi VAS 2022 đã được tổ chức và được dẫn đề bởi PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa | Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ông Nguyễn Công Phú | Cố vấn cấp cao Công ty Luật TNHH LNT & Partner, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Ông Huỳnh Đăng Hiếu | Phó Trưởng phòng Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
 

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa; Trọng tài viên Nguyễn Công Phú; ông Huỳnh Đăng Hiếu trong buổi thảo luận

Quá trình nghị án được biết đến là quá trình xem xét cẩn trọng và đầy đủ các điểm mạnh, điểm yếu của các căn cứ trong một quyết định về một vấn đề tranh chấp hoặc yêu cầu phát sinh trong một vụ kiện trước khi trọng tài viên kết luận xem quyết định theo hướng nào. Hoạt động này trước nhất được thực hiện bởi từng thành viên của hội đồng trọng tài và sau đó các thành viên sẽ tiến hành trao đổi quan điểm của mình với các thành viên còn lại trước khi họ quyết định sẽ dành lá phiếu của mình cho phương án nào, rồi từ đó đưa ra quyết định chung của hội đồng trọng tài. Trong buổi thảo luận, các diễn giả đã trao đổi về các nội dung cốt lõi như: quá trình nghị án và việc soạn thảo phán quyết trọng tài; các lưu ý cho luật sư tranh tụng tại trọng tài, các công cụ hỗ trợ hội đồng trọng tài ban hành phán quyết trọng tài và lưu ý cho luật sư trong giai đoạn ban hành phán quyết trọng tài.
 


PGS.TS
. Phạm Duy Nghĩa khái quát quá trình cân nhắc đưa ra quyết định của hội đồng trọng tài

Dẫn đề, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa đã đưa ra những nhận định, góc nhìn mới, định nghĩa rộng hơn về quá trình nghị án, trong đó đặc biệt lưu tâm tới quá trình cân nhắc đưa ra quyết định của hội đồng trọng tài, làm rõ những yêu cầu cơ bản về quá trình soạn thảo cũng như nội dung của phán quyết trọng tài, sự hỗ trợ của trung tâm trọng tài đối với hội đồng trọng tài trong quá trình ban hành phán quyết này. Từ đó, đưa ra những lưu ý cho luật sư trong quá trình chuẩn bị tài liệu phục vụ và những lợi ích của sự chuẩn bị này đối với quá trình soạn thảo phán quyết trọng tài. Theo PGS., hoạt động nghị án để đưa ra phán quyết trọng tài cũng không có một lý thuyết rõ ràng vì phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác nhau như thành viên của hội đồng trọng tài, vấn đề tranh luận, văn hóa, luật v.v. Với kinh nghiệm nhiều năm trong hoạt động trọng tài, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa cũng để lại một số lưu ý cần thiết để tạo nên sự thành công cho buổi nghị án như: sau khi nhận hồ sơ phải ngay lập tức thảo luận với những thành viên trong hội đồng trọng tài để thống nhất thời gian, hình thức trao đổi và cần đặc biệt lưu ý về tính bảo mật thông tin; Trọng tài viên cần theo sát yêu cầu của các bên, đưa ra những bằng chứng chưa được xác định rõ để yêu cầu đương sự bổ sung thêm hồ sơ chứng cứ. Trước khi tổ chức phiên xử, hội đồng trọng tài nên thảo luận thống nhất với các chuyên gia về lộ trình, cần họp bàn cùng nhau đưa ra những tranh luận làm cho quá trình nghị án được hiệu quả; Với yêu cầu hội đồng trọng tài cần đưa ra phán quyết trong 30 ngày thì các vụ việc phức tạp sẽ gây khó khăn cho hội đồng trọng tài, vì vậy việc chuẩn bị cho phán quyết trọng tài phải thực sự bắt đầu sớm mới kịp đáp ứng tính chất và mức độ rắc rối của vụ kiện.
 
Tiếp lời PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên Nguyễn Công Phú cũng đưa ra những lưu ý cho luật sư tranh tụng qua thực tiễn hoạt động của các hội đồng trọng tài tiến hành tố tụng trọng tài tại Việt Nam. Theo quan điểm của ông Phú, một trong những điều mà nhiều luật sư thường bỏ qua là ngoài nghĩa vụ chứng minh thì việc xác định các yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu kiện lại của các bên tranh chấp trong quá trình tố tụng trọng tài là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, ông cũng góp ý do trong hoạt động tố tụng trọng tài không có biên bản nghị án nên cũng cần có thêm cơ chế để cho các trọng tài viên không có thống nhất ý kiến với hội đồng có thể bảo lưu ý kiến.
 
 
Trọng tài viên Nguyễn Công Phú chia sẻ về kinh nghiệm khi đưa ra phán quyết trọng tài
 
Trọng tài viên Nguyễn Công Phú cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm đưa ra phán quyết trọng tài, phán quyết trọng tài cũng giống như phán quyết Tòa án, không chỉ liên quan đến kinh nghiệm hay kĩ năng của hội đồng trọng tài, trọng tài viên, Chủ tịch hội đồng trọng tài mà còn liên quan đến kĩ năng, kinh nghiệm của luật sư cũng như đại diện các bên tranh chấp trong quá trình tố tụng trọng tài. Cụ thể là việc nêu ra yêu cầu, bởi ngoài nghĩa vụ chứng minh thì việc xác định yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu kiện lại của các bên tranh chấp trong quá trình tố tụng trọng tài rất quan trọng. Qua kinh nghiệm, ông cũng thấy có một số đại diện các bên tranh chấp và luật sư chưa thực sự chú ý đến vấn đề này khi đưa ra yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu kiện lại của các bên tranh chấp. Nếu hội đồng trọng tài bỏ qua những câu hỏi, lưu ý cho các bên tranh chấp thì rất có khả năng dẫn đến phán quyết trọng tài đó không thi hành được hoặc việc ra phán quyết không đủ cơ sở, không bảo đảm tính đúng đắn khách quan.
 

 

Ông Huỳnh Đăng Hiếu thảo luận về các công cụ hỗ trợ của tổ chức trọng tài trong quá trình nghị án của hội đồng trọng tài cũng như soạn thảo phán quyết trọng tài

Bổ sung cho ý kiến của Trọng tài viên Nguyễn Công Phú, ông Huỳnh Đăng Hiếu đưa ra các công cụ hỗ trợ hội đồng ban hành phán quyết trọng tài cũng như các lưu ý cho luật sư trong giai đoạn ban hành phán quyết trọng tài. Qua hoạt động thảo luận của mình, ông Hiếu đã đưa ra quy trình ban hành phán quyết trọng tài tại VIAC để làm minh chứng điển hình cho hoạt động ban hành phán quyết trọng tài. Theo đó, những công cụ hỗ trợ hội đồng trọng tài được ông Hiếu đề xuất bao gồm: Hội đồng khoa học - các chuyên đề khoa học và kết luận của hội đồng khoa học, tổng kết việc hủy phán quyết trọng tài, thông lệ của VIAC.

Cuối buổi trao đổi là phiên hỏi đáp giữa các chuyên gia và người tham gia, rất nhều câu hỏi đã được đặt ra trong phiên thảo luận và được các chuyên gia giải đáp. Kết thúc chủ đề số 04, chuỗi hội thảo trực tuyến về trọng tài VAS do VIAC và VIART tổ chức tổ chức sẽ được khép lại bởi hội thảo số cuối cùng với một chủ đề vô cùng đáng lưu tâm trong kỷ nguyên số ngày nay.
 
Vui lòng xem:
  • VAS Chủ đề 01: Các tiêu chuẩn của Trọng tài viên quốc tế & Luật sư tranh tụng trọng tài quốc tế tại: RECAP VAS #1
  • VAS Chủ đề 02: Luận bàn về thẩm quyền & nhiệm vụ của Trọng tài viên & Hội đồng trọng tài trong trọng tài thương mại quốc tế tạiRECAP VAS #2
  • VAS Chủ đề 03: Xung đột vai trò trong trọng tài – Tính hai mặt của vấn đề (Tạm dịch: Double hatting in arbitration: Look at the both sides of the coin) tại: RECAP VAS #3

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI